Đưa ca Huế vào trường học: Thế hệ trẻ cần trân trọng di sản

bởi Đặt vé ca Huế

Việc đưa ca Huế vào trường học là một việc làm hết sức có ý nghĩa và mang tính giáo dục cao. Đây chính là hướng đi phù hợp nhất để đưa ca Huế đến với thế hệ trẻ của vùng đất cố đô – cái nôi sinh ra ca Huế, giúp thế hệ trẻ hiểu biết hơn về di sản này, từ đó nuôi dưỡng, phát triển lòng tự hào về các di sản truyền thống và tình yêu quê hương đất nước.

Nuôi dưỡng tình yêu di sản

Ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa thiên – Huế – cho biết, đơn vị vừa phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh xây dựng và triển khai chương trình đưa di sản ca Huế vào trường học.

Theo ông Hải, các giảng viên của Trường Trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật Thừa Thiên – Huế và nghệ nhân ca Huế sinh hoạt tại Câu lạc bộ ca Huế thính phòng trực tiếp tham gia giảng dạy và giao lưu trình diễn di sản ca Huế. Qua gần 3 tháng tham gia tập huấn, các giáo viên đã được giới thiệu về lý thuyết tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển ca Huế; Tập hát các làn điệu ca Huế; Giao lưu với các nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế; Biểu diễn ca Huế giữa các giáo viên tham gia tập huấn… Sau khi hoàn thành tập huấn, các thầy, cô giáo sẽ cùng các nghệ nhân sẽ truyền dạy và nuôi dưỡng tình yêu di sản ca Huế cho các thế hệ học trò.

Chương trình đưa di sản ca Huế vào trường học gồm 2 nội dung. Thứ nhất, tập huấn hát ca Huế cho hơn 30 giáo viên âm nhạc của các trường THCS trên địa bàn TP.Huế. Thứ hai, dạy hát ca Huế cho học sinh theo hình thức câu lạc bộ ca Huế tại các trường THCS Nguyễn Tri Phương, THCS Thống Nhất và THCS Trần Cao Vân. Chương trình đưa ca Huế vào trường học không đơn thuần là dạy cho học sinh tập hát ca Huế mà còn là “món quà” giúp các em nhận ra những giá trị nhân văn ẩn chứa trong nội dung từng bài.

“Việc đưa ca Huế vào trường học là một việc làm hết sức có ý nghĩa và mang tính giáo dục cao. Đây chính là hướng đi phù hợp nhất để đưa ca Huế đến với thế hệ trẻ của vùng đất cố đô, cái nôi sinh ra ca Huế, giúp thế hệ trẻ hiểu biết nhiều hơn về di sản này, từ đó nuôi dưỡng, phát triển lòng tự hào về các di sản truyền thống và tình yêu quê hương đất nước. Đây cũng là phương pháp phù hợp nhất để bảo tồn, phát triển ca Huế một cách bền vững”- ông Hải chia sẻ.

Đưa ca Huế thành Di sản thế giới

Ngoài ra, Sở VHTT Thừa Thiên – Huế đang tích cực chỉ đạo Nhà hát ca kịch Huế và các đơn vị chức năng liên quan xây dựng một kế hoạch tổng thể để bảo tồn và phát huy di sản ca Huế một cách bền vững. Sở cũng đã tham mưu với UBND tỉnh chính thức đăng ký với Bộ VHTTDL kế hoạch xây dựng hồ sơ ca Huế để trình UNESCO.

Ca Huế là một di sản văn hóa độc đáo của Cố đô Huế, có bề dày lịch sử ra đời, phát triển đã hàng trăm năm, khi vùng đất này đóng vai trò là kinh đô của đất nước. Ca Huế là thể loại âm nhạc cổ truyền bao gồm ca và đàn, ở nhiều phương diện khá gần gũi với hát đào. Ca Huế hình thành từ dòng ca nhạc dân gian và dòng ca nhạc cung đình, nhã nhạc trang trọng uy nghi nên có thần thái của ca nhạc thính phòng, thể hiện theo hai dòng lớn điệu Bắc và điệu Nam, với trên 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc.

Xét trên nhiều bình diện, ca Huế có giá trị tiêu biểu, nổi bật không chỉ ở trong phạm vi quốc gia hay khu vực. Vì vậy, ca Huế hoàn toàn xứng đáng được xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhận loại.

“Việc xây dựng hồ sơ ca Huế đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại có khá nhiều thuận lợi, bởi di sản này đã được công nhận là Di sản phi vật thể cấp Quốc gia của Việt Nam. Hồ sơ tư liệu về ca Huế rất phong phú, nếu được đầu tư xây dựng tốt sẽ có tính thuyết phục rất cao. Bên cạnh đó, đội ngũ các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý của Huế nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiều kinh nghiệm xây dựng hồ sơ, do đã thực hiện thành công không ít hồ sơ di sản trước đó” – ông Hải phát biểu.

Tìm hiểu thêm

Bình Luận