Cùng với ca trù miền Bắc, đờn ca tài tử Nam Bộ, ca Huế là một trong ba thể loại nhạc thính phòng đạt trình độ phát triển bậc nhất trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam, đứng thứ hai về bề dày lịch sử, và là thể loại duy nhất ra đời trong chốn cung đình.
Nhân Đại lễ Phật đản LHQ 2008 tổ chức tại Hà Nội, ca Huế được chọn là một trong những chương trình giao lưu văn nghệ phục vụ Đại lễ, Giác Ngộ trân trọng giới thiệu đôi nét về truyền thống và nghệ thuật ca Huế.
Ca Huế bắt nguồn từ cung đình
Theo sử liệu thì tên gọi ca Huế xuất hiện từ năm 1687, khi chúa Nguyễn Phúc Tần chọn vùng Thừa Thiên làm kinh đô Huế. Nghệ thuật trong ca Huế vừa nhẹ nhàng vừa trau chuốt lại pha một chút phong lưu đài các. Khởi thủy, ca Huế vốn dựa trên một số bài tế nhạc trong cung đình và một số sáng tác mới của các ông hoàng bà chúa, được thể hiện ở hệ nhạc khí dùng để đệm và diễn tấu, gồm có song tấu (đàn nguyệt-đàn tranh) và tam tấu (đàn nguyệt-đàn tranh và đàn tỳ bà) hay ngũ tuyệt (đàn nguyệt, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn tam thập lục và đàn bầu). Đại bộ phận nhạc khí dùng trong ca nhạc Huế là nhạc cụ dây, mà nổi hơn hết là đàn tranh. “Ca Huế luôn luôn phải có ca. Người biểu diễn vừa ngồi ca vừa gõ hai miếng gỗ (gọi là cái sanh) vào nhau. Bài bản trong ca Huế được chia theo hai hệ thống thang âm điệu thức; một là điệu Bắc (dạo khách) dùng cho những bản vui tươi, có khi trang nghiêm và một loại là điệu Nam có âm điệu buồn man mác. Nhưng khác với các loại ca nhạc miền Bắc mà phần lớn bắt đầu từ ca khúc không có nhạc khí đệm, ở ca Huế hai yếu tố thanh nhạc và khí nhạc phát triển đồng đều”, Giáo sư Trần Văn Khê cho biết.
Trong nhiều tập bản nhạc cổ điển Huế còn lưu giữ đến ngày nay thì có hơn một nửa là những bản nhạc không lời. Trong khi đó ca trù miền Bắc, mặc dù trải qua nhiều thế kỷ phát triển nhưng chưa bao giờ được trình diễn khí nhạc thuần túy mà không có phần ca. Một điểm đặc biệt nữa thể hiện tính bác học của ca nhạc Huế là phần lớn các bài ca lưu hành từ thế kỷ XIX còn lại đến ngày nay đều viết bằng chữ Hán; điểm đặc trưng cho hát cung đình. Đó là những bài: Lưu thủy, Xuân phong, Long hồ, Hạ giang nam, Xuân tình điểu ngự… cho đến các bài mang vào sau này như các điệu lý cũng có cái tên gọi rất cầu kỳ: Lý Giang nam, lý Tiểu khúc, lý Hoài xuân, lý Hoài nam… Trong khi đó, cùng thể loại dân ca, song lý Nam Trung Bộ và lý Nam Bộ lại được gọi bằng những cái tên mộc mạc dân dã như lý Con cua, lý Con ếch, lý Qua cầu, lý Mười thương, lý Nàng dâu…
Ca nhạc Huế là một trong những thể loại nhạc cổ truyền còn chứa dựng những quan niệm nhạc lý rõ ràng, rành mạch nhất. Đó là sự kế thừa có biến hóa của hệ thống âm luật do dòng nhạc cung đình Việt xây dựng nên từ nửa thế kỷ XV dưới thời nhà Lê. Ca từ trong ca Huế hầu như không gặp trong ca hát dân gian. Đó là một thể loại nhạc khí được phát sinh, định hình và phát triển trước hết trong dòng nhạc cung đình bác học. Nói về vấn đề này, GS.Trần Văn Khê nhận định: “Ca Huế là loại nhạc thính phòng biểu diễn trong chốn cung đình, chỉ mới được phổ biến trong dân dã. Nghệ thuật trong ca Huế vừa nhẹ nhàng vừa trau chuốt mà lại pha một chút phong lưu, đài các. Cho đến nay truyền thống ca Huế vẫn giữ như ngày xưa, cách biểu diễn luôn trang nghiêm và mẫu mực…”.
Ca Huế trở thành dân gian
Từ cuối thế kỷ XIX, cùng với sự suy vong của nhà nước phong kiến Việt Nam, rồi tiếp đến công cuộc Âu hóa, nhạc cung đình đã rời khỏi nơi sinh thành ra nó để đến với dân gian. Song nguồn gốc cung đình và tính bác học của nó vẫn không phai nhạt. Nếu trước kia ca nhạc Huế chỉ được biểu diễn trong cung hoặc nơi dinh thự của các vương hầu, thì nay nó lan tỏa trong giới văn nhân dân dã. Nghe ca Huế đã và đang trở thành thú giải trí của người dân xứ Huế, đồng thời là món quà tiếp đón cho những ai đến thăm cố đô. Nhiều du khách khi đến Huế, người ta thuê một chiếc thuyền, buông chèo xuôi theo dòng sông Hương để nghe các cô gái Huế diễn tấu cung đàn giọng hát đến thâu đêm. Có lẽ, nhờ đó mà ca nhạc Huế được bổ sung thêm sức sống phong phú của các loại ca hát dân gian. Ngày nay, trong ca Huế còn có những giọng hò mái nhì, hò mái đẩy quen thuộc với những người sống trên sông. Nó còn tiếp nhận thêm những điệu hò giã gạo sôi nổi, với lời ca “đâm bắt”, tuy ý tục nhưng lời thanh, thích hợp với tư duy tiếu lâm của người bình dân.
Đã có một thời ca Huế bị mai một vì những năm tháng chiến tranh. Thuyền chạy máy với tiếng nổ xình xịch đã khiến những câu hò đối đáp trên sông mất hẳn. Có lúc sông Hương núi Ngự như mất hẳn tiếng chim. Nhưng rồi đến năm 1983, một số nghệ sĩ ca Huế tập hợp lại và thành lập Câu lạc bộ Ca nhạc Huế, với ước vọng phục hồi lại dòng ca nhạc xưa này. Ở đây đã có mặt những giọng ca nổi tiếng một thời, rồi dần dần thu hút thêm những gương mặt mới. Những ban nhạc phục vụ khách du lịch không chỉ có sự tham gia của các nghệ sĩ chuyên nghiệp mà còn có sự góp giọng của nhiều cây đàn, giọng hát nghiệp dư. Với quá trình bình dân hóa dòng nhạc cung đình, ca nhạc Huế đã được hồi sinh bằng sức sống của ca hát dân gian, không những trở thành nơi hội tụ những tinh hoa của dòng nhạc bác học mà còn bảo tồn phát triển dòng nhạc dân gian Việt Nam.
Cái Kết
Đến với Huế, du khách không thể không thưởng thức những buổi tối ca nhạc Huế trên sông Hương, mà điệu hát như được mặt nước trầm lặng lan tỏa mãi đi xa. Cái gì đã làm nên sự hấp dẫn của ca nhạc Huế? Không phải chỉ có cảnh trăng thanh gió mát, không phải chỉ vì cái duyên của những cô gái Huế, mà chính là sự thu hút của dòng nhạc độc đáo, vừa có ca, vừa có nhạc…