Bến đò sông Hương

bởi Đặt vé ca Huế

Bến đò sông Hương ngày xưa đã không còn nữa, thay vào đó là những cây cầu bắc ngang sông Hương và biển đổi thành các bến thuyền phục vụ du lịch đưa đón khách trên sông Hương. Sau đây là bài viết những bến đò trên sông Hương được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet nhằm giúp bạn có cái nhìn khách quan về bến đò trước kia và bến thuyền ngày nay.

Nhiều bến đò xưa của Huế đã đi vào dĩ vãng khi sự ra đời của những cây cầu kiên cố và các loại phương tiện hiện đại ngày càng nhiều khiến những bến đò trên sông Hương và các con sông trong thành phố không còn nhộn nhịp như xưa.

Hiện thành phố Huế vẫn còn sót lại các bến đò như: chợ Đông Ba đi Đập Đá, chợ Đông Ba đi Cồn Huế, bến đò Cồn, bến đò chợ Phú Hiệp, bến đò Bao Vinh. Những bến đò còn sót lại này hàng ngày đưa các mệ, các o, các chị qua sông để đi chợ mua bán hàng ngày.

Quá trình thay đổi của bến đò sông Hương

Thừa Thiên Huế là vùng đất của sông nước. Ngay trong phạm vi của thành phố Huế, đi đến bất cứ đâu, đứng bất kỳ chỗ nào cũng thấy sông, thấy nước. Và, với địa hình nhiều sông nước, Huế đã phát triển theo nguyên tắc địa lý thông thường. Ngày xưa khi tàu xe chưa có, hình ảnh những chuyến đò dọc, đò ngang gắn với bến đò xưa trở thành một biểu tượng đẹp của xứ Thần kinh.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, chỉ nội vùng sông Hương và tuyến đường thuỷ phụ cận đã có đến 50 bến đò khác nhau. Khó có thể phôi phai trong lòng người xứ Huế hình ảnh và tình cảm về những bến đò xưa, như: Trường Súng, Thừa Phủ, Trường Tiền, hay Hàng Me, Đập Đá...Trong đó, bến đò Thừa Phủ với khách vãng lai chủ yếu là những công chức, học sinh rất ấn tượng khiến cho có người từng đề xuất khôi phục lại để hình thành nên tour du lịch phục vụ khách trong bối cảnh phát triển hiện nay của du lịch Huế. 

Cái bến đò sông Hương của Huế đang mất dần cùng với sự ra đời của những cây cầu. Khi cầu Trường Tiền hoàn thành vào năm 1900, bến đò Trường Súng ngưng hoạt động. Cầu xe lửa Bạch Hổ ra đời, có lối dành cho khách bộ hành, đến phiên bến đò Trường Súng giải thể. Rồi khi cầu Phú Xuân xuất hiện như một bổ sung hoàn chỉnh cho cầu qua sông Hương vào năm 1972 thì “vô tình” chấm dứt luôn nhiệm vụ của bến đò Thừa Phủ nhiều hoài niệm sau hơn 70 năm tồn tại.

Những năm gần đây, cùng với công cuộc chinh phục phá Tam Giang- Cầu Hai ra đời nhiều cây cầu huyền thoại, là ước mơ từ bao đời nay của người dân Thừa Thiên Huế như Thuận An mới, Ca Cút, Trường Hà, Tư Hiền…cũng là lúc mà những bến đò xưa Ca Cút, Thuận An hay Đá Bạc đi vào dĩ vãng.

Bến đò sông Hương

Bến đò sông Hương

Tên gọi và địa điểm các bến đò xưa

Ngày nay một số chiếc cầu đã thay thế cho một số tuyến đò ngang và những sinh hoạt đò ngang trên sông Hương không còn nhộn nhịp và đa dạng như trước nữa, nhưng, con đò ngang ở một số bến nơi đây vẫn còn là hình ảnh rất quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của người dân xứ Huế.

Trước hết là bến đò Long Thọ. Đầu thế kỷ 19, vùng đồi này mang tên Thọ Xương. Đến năm 1824 mới đổi ra tên hiện tại. Năm 1895, một người Pháp là ông Bogaert (dân địa phương gọi là ông Bồ-Ghè) phát hiện ra đây là một ngọn đồi đá vôi và ông được chính quyền thực dân cho thiết lập nhà máy sản xuất vôi đá ở đó từ năm 1900. Nhân dân thợ thuyền tụ tập đến làm ăn tại đây ngày càng đông. Cho nên, cần có bến đò để đi lại, nhất là bến đò ngang nối với làng Xuân Hòa ở đối diện bên kia sông.

Tuyến đò Kim Long nối làng Kim Long với Phường Đúc. Trong suốt hơn 50 năm giữa thế kỷ 17 (1636-1687) Kim Long đã từng là nơi đóng thủ phủ của các chúa Nguyễn ở niềm Nam Hà. Kiến trúc cổ nơi đây chẳng còn gì, nhưng vẻ đẹp của thiên nhiên và con người ở đó vẫn còn tồn tại. Một ông vua sính thơ của nhà Nguyễn đã từng nói:

Trước cửa Nhà Đồ, có một tuyến đò ngang nối Bến Me với bến đò Trường Súng ở bên kia sông. Gọi là Bến Me vì ngày xưa ở đó trồng nhiều cây me chua. Còn về địa danh Trường Súng thì chưa có sự nhất trí giữa các nhà nghiên cứu về ý nghĩa của nó. Cụ Phan Văn Dật cho rằng ngày xưa đây là một công trường đúc súng. Nhưng linh mục L.Cadière thì lại viết rằng ngày trước, nơi đây nhà Nguyễn đã thiết lập các xạ trường để binh lính của triều đình qua tập bắn. Ông gọi đó là “Bac du Champ de tir, Đò Trường Súng”.

Con đò Thừa Phủ nối bến trước cửa Ngăn (trước đây gọi là bến vườn hoa Nguyễn Hoàng) với bến trước dinh Thừa Thiên Phủ doãn, tức là nơi quan đầu tỉnh Thừa Thiên làm việc. Thừa Thiên Phủ doãn gọi tắt là Thừa Phủ. Tuyến đò này đã được thay thế bằng cầu sông Hương vào năm 1971, nay gọi là cầu Phú Xuân.

Sở dĩ gọi là bến đò Trường Tiền vì ngày xưa ở bên trên bến đò ấy, phía Tả ngạn (khu vực Nhà Văn hoá thành phố hiện nay) đã có một công trường đúc tiền của triều đình nhà Nguyễn. Tuyến đò Trường Tiền đã được thay thế vào năm 1900 bằng một chiếc cầu sắt mang cùng tên như chúng ta đang thấy hiện nay.

Đò Hàng Me nối chợ Đông Ba với xóm Hàng Me. Gọi như thế vì ngày trước ở đây trồng toàn cây me, nhất là trên con đường Phạm Ngũ Lão ngày nay. Bến đò này có thời còn được gọi là bến đò Tòa Khâm vì nó ở gần Tòa Khâm sứ Pháp (trường Đại học Sư phạm ngày nay) và cũng gọi là bến đò sân vận động, vì ở trên đường lên sân vận động Huế.

Đò Đập Đá nối chợ Đông Ba với Đập Đá, tức là cái đập được xây bằng đá dưới thời vua Thành Thái (1889-1907). Trước đó, nơi đây gọi là bến đò Thọ Lộc, tên ngôi làng tại chỗ.

Đò Cồn nối vùng Gia Hội với Cồn Hếnthôn Vĩ Dạ (nguyên xưa tên là Vĩ Dã). Ngày trước, khi chưa bắc cầu Phú Lưu, phải đi liên tiếp hai con đò: một từ Gia Hội qua Cồn Hến và một từ Cồn Hến qua Vĩ Dạ (gần chợ Mới).

Đò Bến Cạn nối khu vực phía dưới Gia Hội (ngang với đường Cao Bá Quát hiện nay) với khu vực cuối thôn Vĩ Dạ lại với nhau. Sở dĩ gọi là Bến Cạn vì tuyến đò này đi ngang qua điểm cuối của Cồn Hến, nơi đây đất phù sa của sông Hương bồi thêm càng ngày càng cạn dần.

đò chợ Dinh đi từ Chợ Dinh ở gần vùng Bãi Dâu (đường Ôn Như Hầu ngày nay) qua phía chợ Mai ở làng Tây Thượng bên kia sông. Chợ Dinh nguyên có tên là Chợ Dinh Ông, tức là nơi ngày xưa có nhiều dinh thự, phủ đệ, của các ông hoàng bà chúa ở. Từ Chợ Dinh trong câu hò ru em “Chợ Dinh bán áo con trai” chính là ở chỗ này.

Bài viết sử dụng nguồn của những tác giả

“Những bến đò ngang trên sông Hương” của Phan Thuận An từ Tạp Chí Sông Hương.
– “Những bến đò ngang thân thương sót lại giữa lòng thành phố Huế” của Ngọc Thụ – Đại Dương từ Báo Dân Trí.
– Bến đò hoài niệm” của Đan Huy từ baothuathienhue.vn.

Tìm hiểu thêm

1 bình luận

Thắng Nguyễn 17/06/2019 - 15:38

Với tên gọi mà nhiều ý nghĩa quá. Bài hay

Reply

Bình Luận